Chiến tranh Chiến_tranh_Nga-Nhật

Tuyên chiến

Đại Mãn Châu, Mãn Châu thuộc Nga (ở bên ngoài) là phần màu đỏ nhạt ở phía trên bên phải

Nhật Bản tuyên chiến ngày 8 tháng 2 năm 1904. Tuy vậy, 3 giờ trước khi triều đình Nga nhận được lời tuyên chiến từ phía Nhật, Hải quân Đế quốc Nhật Bản tấn công Hạm đội Viễn Đông tại cảng Lữ Thuận. Sa hoàng Nikolai II sững sờ trước tin bị tấn công. Ông không thể tin được rằng Nhật Bản có thể tấn công mà không cần tuyên chiến chính thức, và đã đảm bảo với các bộ trưởng của mình rằng Nhật Bản sẽ không đánh. Nga tuyên chiến với Nhật 8 ngày sau đó.[10] Tuy vậy, việc yêu cầu tuyên chiến trước khi tiến hành chiến sự không được coi là luật pháp quốc tế cho đến khi cuộc chiến đã kết thúc vào tháng 10 năm 1907, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1910.[11] Montenegro cũng tuyên chiến với Nhật như là một hành động ủng hộ về mặt tinh thần với Nga vì biết ơn Nga đã ủng hộ Montenegro kháng chiến chống lại Đế quốc Ottoman. Tuy vậy, vì lý do hậu cần và không gian, đóng góp của Montenegro cho cuộc chiến chỉ giới hạn ở những người Montenegro phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga.[cần dẫn nguồn]

Chiến dịch năm 1904

Chiến trường trong Chiến tranh Nga-Nhật

Cảng Lữ Thuận, trên bán đảo Liêu Đông phía Nam Mãn Châu đã được củng cố thành một căn cứ hải quân lớn của Quân đội Đế quốc Nga. Vì cần phải kiểm soát mặt biển để chiến đấu được trên đất liền châu Á, mục tiêu quân sự đầu tiên của Nhật là vô hiệu hóa hạm đội Nga tại cảng Lữ Thuận.

Hải chiến cảng Lữ Thuận

Đêm ngày 8 tháng 2 năm 1904, Hạm đội Nhật Bản của Đô đốc Heihachiro Togo khai chiến bằng cuộc tấn công bất ngờ của các thuyền phóng ngư lôi vào các con tàu Nga tại cảng Lữ Thuận. Cuộc tấn công làm hư hại nặng các con tàu TsesarevichRetvizan, những chiến hạm nặng nhất trên chiến trường Viễn Đông của Nga, và tuần dương hạm 6.600 tấn Pallada.[12] Những cuộc tấn công này phát triển thành Hải chiến cảng Lữ Thuận sáng hôm sau. Một chuỗi các cuộc chạm trán bất phân thắng bại tiếp diễn, trong đó Đô đốc Togo không thể tấn công được Hạm đội Nga vì nó được bảo vệ bởi dàn pháo bờ biển trên cảng, và người Nga miễn cưỡng phải rời cảng ra vùng nước sâu, đặc biệt là sau cái chết của Đô đốc Stepan Osipovich Makarov ngày 13 tháng 4 năm 1904.

Tuy vậy, những cuộc đụng độ này tạo cơ hội thuận lợi cho quân Nhật đổ bộ xuống gần Incheon, Triều Tiên. Từ Incheon, quân Nhật chiếm Hán Thành và sau đó là phần còn lại của Triều Tiên. Cho đến hết tháng 4, Lục quân Đế quốc Nhật Bản do Đại tướng Kuroki Itei chỉ huy đã sẵn sàng vượt sông Áp Lục vào vùng chiếm đóng của Nga tại Mãn Châu.

Trận sông Áp Lục

Ngược lại với chiến lược nhanh chóng chiếm lĩnh chiến trường để kiểm soát Mãn Châu, chiến lược Nga tập trung vào các hành động tránh giao chiến để có thời gian đợi quân tiếp viện tới nơi qua tuyến đường sắt xuyên Xibia dài khi đó vẫn chưa hoàn thành gần Irkutsk. Ngày 1 tháng 5 năm 1904, Trận sông Áp Lục trở thành trận chiến lớn đầu tiên trên đất liền, khi quân Nhật đột chiếm các vị trí của quân Nga sau khi vượt sông mà không gặp sự kháng cự nào. Quân Nhật tiếp tục đổ bộ xuống nhiều điểm quan trọng tại bờ biển Mãn Châu, và trong một chuỗi các cuộc đụng độ, đã đẩy lùi quân Nga về phía cảng Lữ Thuận. Những trận đánh này, bao gồm trận Nashan ngày 25 tháng 5 năm 1904, được đánh dấu bằng thiệt hại nặng của quân Nhật khi tấn công vào các đường hào của quân Nga, nhưng quân Nga vẫn duy trì sự tập trung vào phòng ngự và không phản công.

Phong tỏa cảng Lữ Thuận

Quân Nhật cố ngăn cản quân Nga sử dụng cảng Lữ Thuận. Trong đêm 12-14 tháng 2, quân Nhật cố phong tỏa luồng vào cảng Lữ Thuận bằng cách đánh chìm vài tàu hơi nước đầy xi măng tại tuyến nước sâu vào cảng, nhưng họ đánh chìm quá sâu nên không hiệu quả. Một cố gắng tương tự để phong tỏa đường vào cảng trong đêm ngày 3-4 tháng 5 cũng thất bại. Tháng 3, Phó Đô đốc có uy tín Makarov được bổ nhiệm làm chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương với ý định phá vỡ sự phong tỏa tại cảng Lữ Thuận.

Ngày 12 tháng 4 năm 1904, 2 thiết giáp hạm tiền dreadnought, kỳ hạm PetropavlovskPobeda lẻn ra khỏi cảng nhưng vướng phải thủy lôi Nhật Bản ngoài cảng Lữ Thuận. Chiếc Petropavlovsk chìm ngày tức khắc, trong khi chiếc Pobeda phải kéo về cảng và phải tu sửa nặng. Đô đốc Makarov, nhà chiến lược tài năng duy nhất của Nga trong chiến tranh, tủ trận trên tàu Petropavlovsk.

Ngày 15 tháng 4 năm 1904, triều đình Nga đe dọa bắt giữ phóng viên chiến trường người Anh khi đang đi trên tàu Haimun vào vùng chiến sự để lấy tin cho tờ báo có trụ sở tại London The Times, viện dẫn rằng họ lo ngại việc người Anh có thể thông báo vị trí của quân Nga cho hạm đội Nhật Bản.

Người Nga học nhanh, và không lâu sau cũng sử dụng chiến thuật Nhật Bản về thủy lôi tấn công. Ngày 15 tháng 5 năm 1904, 2 thiết giáp hạm Nhật Bản, YashimaHatsuse, bị nhử vào một bãi thủy lôi của Nga ở gần cảng Lữ Thuận, mỗi chiếc trúng ít nhất 2 trái thủy lôi. Chiếc Hatsuse chìm chỉ trong vài phút, mang theo 450 thủy thủ, trong khi chiếc Yashima bị chìm trong khi được kéo về Triều Tiên để sửa chữa. Đây là tổn thất nặng cho Nhật vì toàn bộ Hải quân Nhật khi đó chỉ có 6 thiết giáp hạm trong biên chế, mất 2 chiếc là tương đương 1/3 lực lượng. Việc 2 thiết giáp hạm bị mất được Nhật Bản giấu kín trong suốt thời gian chiến tranh do không muốn làm sụt giảm tinh thần của binh sỹ và công luận.

Ngày 23 tháng 6 năm 1904, nỗ lực phá vây của hạm đội Nga, bây giờ dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Wilgelm Vitgeft thất bại. Cho đến cuối tháng, pháo binh Nhật Bản liên tục pháo kích vào cảng.

Bao vây cảng Lữ Thuận
Oanh tạc trong Cuộc vây hãm cảng Lữ Thuận

Nhật Bản bắt đầu cuộc bao vây dài ngày cảng Lữ Thuận. Ngày 10 tháng 8 năm 1904, Hạm đội Nga lại một lần nữa cố gắng phá vây và tiến đến Vladivostok, nhưng khi ra được biển khơi thì chạm trán với đội thiết giáp hạm của Đô đốc Togo. Người Nga thường gọi đây là Trận ngày 10 tháng 8, nhưng thông thường, nó được gọi là Hải chiến Hoàng Hải, các thiết giáp hạm từ hai phía liên tục khai hỏa. Trận đánh này là một yếu tố quyết định chiến trường, mặc dù Đô đốc Togo biết một đội thiết giáp hạm Nga khác sẽ sớm được gửi đến Thái Bình Dương. Quân Nhật chỉ có một đội thiết giáp hạm và Togo đã mất hai thiết giáp hạm vì thủy lôi của Nga. Các thiết giáp hạm Nga và Nhật tiếp tục đấu súng, cho đến khi kỳ hạm của quân Nga, chiếc Tsesarevich, bị bắn trực diện vào cầu tàu, giết chết Tư lệnh hạm đội, Đô đốc Vitgeft. Đến lúc này, Hạm đội Nga quay đầu lại và chạy về cảng Lữ Thuận. Mặc dù không có thuyền chiến nào bị chìm trong trận này, quân Nga bây giờ lại trở về cảng và hải quân Nhật vẫn còn thiết giáp hạm để đối đầu với hạm đội Nga khi nó tới nơi.

Cảng Lữ Thuận thất thủ

Cuối cùng, thuyền chiến Nga tại cảng Lữ Thuận bị đánh chìm bởi pháo của quân đội bao vây. Nỗ lực giải vây cho thành phố bằng đường bộ cũng thất bại, và, sau trận Liêu Dương vào cuối tháng 8, quân Nga rút lui đến (Thẩm Dương). Cảng Lữ Thuận cuối cùng thất thủ vào ngày 2 tháng 1 năm 1905 khi Tư lệnh quân phòng thủ bỏ lại cảng cho quân Nhật mà không tham vấn cấp trên.

Hạm đội Ban Tích

Trong khi đó, trên biển, quân Nga đang chuẩn bị để tiếp viện Hạm đội Viễn Đông bằng cách gửi đến Hạm đội Ban Tích, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky. Hạm đội này phải đi vòng quanh thế giới từ biển Ban Tích đến Trung Quốc qua mũi Hảo Vọng. Hạm đội Ban Tích phải đến tháng 5 năm 1905 mới tới được Viễn Đông.

Ngày 21 tháng 10 năm 1904, khi đi qua Vương quốc Anh (một đồng minh với Nhật Bản nhưng trung lập trong cuộc chiến này), những con tàu của Hạm đội Ban Tích suýt nữa thì khai mào một cuộc chiến trong Sự kiện Dogger Bank vì bắn vào một thuyền đánh cá Anh vì lầm tưởng đó là thuyền phóng lôi của quân Nhật.

Chiến dịch năm 1905

Quân Nga rút lui sau Trận Phụng Thiên.
Mùa đông khắc nghiệt và những trận đánh cuối cùng

Với việc Lữ Thuận Khẩu thất thủ, Tập đoàn quân số 3 Nhật Bản nay đã có thể tiếp tục tiến lên phía Bắc và tiếp viện cho các vị trí phía Nam của thành phố Phụng Thiên do Nga chiếm giữ. Với sự tấn công của mùa đông Mãn Châu khắc nghiệt, không có cuộc đụng độ lớn nào trên bộ kể từ Trận sông Sa năm ngoái. Cả hai bên đều đóng trại đối diện nhau suốt dọc 110 km chiến tuyến, phía Nam Phụng Thiên.

Tập đoàn quân số 2 Nga dưới sự chỉ huy của Đại tướng Oskar Grippenberg, từ 25 đến 29 tháng 1, tấn công cánh trái quân Nhật gần thị trấn Sandepu, và suýt nữa thì chọc thủng được phòng tuyến. Điều này làm quân Nhật bất ngờ. Tuy vậy, không nhận được sự trợ giúp từ các đơn vị quân Nga khác, cuộc tấn công bị chặn lại, Grippenberg được Kuropatkin ra lệnh tạm nghỉ và trận đánh không đem lại kết quả. Người Nhật biết rằng họ cần tiêu diệt quân đội Nga tại Mãn Châu trước khi quân tiếp viện Nga đến qua tuyến đường sắt xuyên Xibia.

Trận Phụng Thiên mở đầu vào ngày 20 tháng 2 năm 1905. Những ngày sau đó, quân Nhật tiếp tục tấn công vào hai cánh trái phải của quân Nga xung quanh Phụng Thiên, dọc phòng tuyến dài 80 km. Cả hai bên đều đào nhiều đường hào và được nhiều pháo đội hỗ trợ. Sau vài ngày chiến đấu ác liệt, áp lực tăng thêm từ hai cánh buộc cả hai điểm cuối của tuyến phòng thủ của quân Nga cong về phía sau. Thấy rằng mình sắp bị bao vây, quân Nga bắt đầu rút lui, đánh nhiều trận hậu tập ác liệt, sớm chuyển thành sự hỗn loạn và sụp đổ của quân Nga. Ngày 10 tháng 3 năm 1905, sau 3 tuần chiến đấu, Đại tướng Kuropatkin quyết định rút về phía Bắc Phụng Thiên.

Đội hình rút lui của quân đội Nga tại Mãn Châu cũng tan rã như các đơn vị chiến đấu, nhưng quân Nhật không tiêu diệt hoàn toàn được họ. Chính quân Nhật cũng chịu thương vong lớn và không thể truy kích. Mặc dù trận Phụng Thiên là một thất bại lớn của quân Nga nhưng nó không mang tính quyết định, và thắng lợi cuối cùng vẫn dựa vào hải quân.

Chiến thắng tại Đối Mã
Bài chi tiết: Hải chiến Đối Mã
Thiết giáp hạm Nhật Bản Mikasa, kỳ hạm của Đô đốc Tōgō Heihachirō trong Hải chiến Đối Mã.

Hạm đội Thái Bình Dương thứ hai (đổi tên từ Hạm đội Ban Tích) hải hành theo tuyến đường chưa từng có lên tới 29.000 km để phá vây cho cảng Lữ Thuận. Tin xấu rằng cảng Lữ Thuận đã thất thủ bay đến hạm đội khi họ đến Madagascar. Hy vọng duy nhất của Đô đốc Rozhestvensky bây giờ là đến được cảng Vladivostok. Có ba con đường đến Vladivostok, ngắn nhất và theo đường thẳng là đường qua Eo biển Đối Mã giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Tuy vậy, đây cũng là con đường nguy hiểm nhất vì nó đến rất gần nội địa Nhật Bản.

Đô đốc Togo biết rằng người Nga đang tới và hiểu rằng sau khi cảng Lữ Thuận thất thủ, Hạm đội Thái Bình Dương thứ 2, thứ 3 sẽ cố đến cảng duy nhất của Nga ở Viễn Đông, Vladivostok. Kế hoạch chiến đấu được thông qua, các con tàu được sửa chữa và trang bị lại để chặn đứng hạm đội Nga.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản, ban đầu bao gồm 6 thiết giáp hạm, bây giờ chỉ còn 4 (2 chiếc mất vì thủy lôi), nhưng vẫn giữ được số tuần dương hạm, tàu khu trục, và thuyền phóng lôi. Hạm đội Thái Bình Dương thứ 2 bao gồm 8 thiết giáp hạm, bao gồm 4 thiết giáp hạm mới thuộc lớp Borodino, cũng như tuần dương hạm, khu trục hạm và các tàu phụ khác, tổng số lên tới 38 tàu.

Cho đến cuối tháng 5, Hạm đội Thái Bình Dương thứ 2 còn cách Vladivostok không xa. Họ quyết định chọn con đường ngắn hơn, liều lĩnh hơn giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Họ đi vào ban đêm để không bị phát hiện. Không may cho người Nga, một trong những con tàu cứu thương của họ để lộ một ngọn đèn và bị tàu buôn vũ trang Nhật Bản Shinano Maru trông thấy. Thông tin nhanh chóng được chuyển đến Bộ tư lệnh của Đô đốc Togo, và Hạm đội liên hợp ngay lập tức được lệnh xuất kích. Nhận thêm được tin tức tình báo hải quân từ đội do thám, quân Nhật có thể đưa hạm đội của mình chạy cắt dọc chữ T với hạm đội Nga. Quân Nhật chạm trán quân Nga tại eo biển Đối Mã ngày 27-28 tháng 5 năm 1905. Hạm đội Nga gần như bị tiêu diệt, mất 8 thiết giáp hạm, rất nhiều tàu nhỏ, và hơn 5.000 quân. Chỉ có 3 tàu Nga chạy thoát được đến Vladivostok. Sau trận Đối Mã, hải quân Nhật chiếm toàn bộ quần đảo Sakhalin để ép Nga phải yêu cầu đình chiến.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Nga-Nhật http://www.csmonitor.com/2005/1230/p04s01-woap.htm... http://books.google.com/books?id=9J9Dt6EQHs8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jr8CAAAAYAAJ&dq=%... http://books.google.com/books?vid=ISBN1873410867&i... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=990... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9C0... http://rus-sky.com/history/library/w/w01.htm http://rusnavy.com/history/hrn10-e.htm http://www.russojapanesewar.com/ http://www.upi.com/NewsTrack/Top_News/2006/06/16/m...